Talkshow: Xu hướng của ngành công nghiệp game – Những thách thức và cơ hội

Posted on

Buổi Talkshow với chủ đề: “Xu hướng của ngành công nghiệp game – Những thách thức và cơ hội” dành cho sinh viên Khoa Công nghệ thông tin của Trường Đại học Sài Gòn đã diễn ra rất thành công với những thông tin hữu ích bởi những diễn giả đến từ các đơn vị, studio game tên tuổi.

Ngày 10 tháng 12 vừa qua, khoa Công nghệ Thông tin cùng công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ VNT Tech đã phối hợp với các studio lớn như Gear Inc, Onetech Asia tổ chức thành công buổi talkshow với chủ đề “Xu hướng của ngành công nghiệp game – những thách thức và cơ hội”. Với số lượng tham gia hơn 300 sinh viên đến từ khoa Công nghệ thông tin của trường Đại học Sài Gòn – những bạn có đam mê, hứng thú với một lĩnh vực tuy “gần mà xa”,giúp cho các bạn sinh viên có thể tiếp cận và có những định hướng nghề nghiệp về “Ngành công nghiệp hái ra tiền”, đồng thời đây cũng là cầu nối để các đơn vị doanh nghiệp có thể cùng lắng nghe các chia sẻ, với những câu hỏi, tâm tư, nguyện vọng từ phía sinh viên để tìm ra những người đồng đội mới cùng đồng hành góp phần phát triển nền công nghiệp game tại thị trường Việt Nam trong tương lai.

Trước khi bắt đầu buổi giao lưu giữa sinh viên và các đơn vị studio, PGS.TS Phạm Thế Bảo, trưởng khoa đại diện khoa Công nghệ thông tin trường Đại Học Sài Gòn chia sẻ: “Hiện nay, nhiều người vẫn đang đánh đồng việc chơi game là một quen thói xấu và bài xích như thể là một tệ nạn xã hội. Thế nhưng, ít ai biết được tầm quan trọng mà game đã mang lại cho cuộc sống và con người chúng ta. Tất cả những thứ rất gần gũi như là một trận bóng, một ván cờ hay những hoạt động vui chơi, giải trí cũng là đều gọi chung là game. Chúng tồn tại từ xa xưa khi con người bắt đầu biết tìm niềm vui trong cuộc sống, nhưng chúng biểu hiện ở một hình thái khác. Esport cũng vậy, con người sẽ bắt đầu nhập vai vào các nhân vật ảo và tham gia các trận đấu với những thao tác đỉnh cao, đầy trí tuệ như các tựa game “Liên minh huyền thoại” của Riot, “Fifa”, “NBA” của EA Games. Hay chỉ giản là những trò chơi mang tính giải trí nhưng đòi hỏi sự khéo léo như “Flappy Bird” của Nguyễn Hà Đông. Không chỉ vậy, ngày nay game còn được xem như một hướng tiếp cận mới cho các hoạt động nhiều áp lực như y tế, giáo dục, quân sự, … đã và đang được áp dụng rất nhiều, mang lại hiệu quả cao. Ví dụ như những bài tập hỗ trợ phục hồi các chức năng cho người bệnh, các bài tập huấn ảo để phục vụ tác chiến cũng như chuẩn bị các phương án an toàn lao động, hay những mô hình 3D, thực tế ảo, thực tế tăng cường, khiến cho những định luật khó hiểu và những thao tác phức tạp được diễn hoạt một cách trực quan, hiệu quả, ghi nhớ lâu. Như vậy, quan trọng là ở cách chúng ta ứng dụng nó như thế nào. Từ đó, các bạn sẽ có cái nhìn mới về ngành, thuận lợi trong quá trình định hướng nghề nghiệp và tìm việc làm, sau đó thăng tiến nhanh hơn khi ra trường.”

PGS.TS Phạm Thế Bảo với đôi lời phát biểu khai mạc buổi Talkshow

Nối tiếp chương trình là những phần trình bày đến từ các diễn giả. Từ tiềm năng thị trường toàn cầu và Việt Nam, quy trình làm ra một game, bố trí nhân lực, đội nhóm cho từng khâu riêng biệt, cho đến không gian làm việc, chế độ đãi ngộ cũng đều được trình bày một cách cụ thể nhằm định hướng nghề nghiệp cũng như khai thác được niềm đam mê về lĩnh vực nêu trên. Đối với các bạn sinh viên đã có ý định tham gia vào thị trường “màu mỡ” này, thì đây sẽ là cơ hội để các bạn có thêm kiến thức để chuẩn bị hành trang cho các buổi phỏng vấn, giúp các bạn có thêm tự tin để đánh giá lại thế mạnh của bản thân, tiếp tục trau dồi để ứng tuyển thành công vị trí mong ước.

Đại diện Gear Inc trình bày về xu hướng phát triển thị trường game tại Việt Nam

Bắt đầu với phần trình bày đến từ Gear Inc. Đại diện công ty Gear Inc – Anh Phạm Bá Nhẫn đã chia sẻ tổng quan về quy trình làm game, đến phương án bố trí nhân lực cho từng giai đoạn, xuất bản phiên bản game hoàn chỉnh lên các cửa hàng trực tuyến. Đồng thời anh cũng cho biết thêm về những đãi ngộ, quyền lợi chính sách khi các bạn trở thành thành viên Gear Inc.

Đến với phần trình bày của Unity – VNT Tech. Đại diện phía công ty VNT, anh Lê Xuân Hiền – với vai trò là người dẫn dắt chương trình, kiêm diễn giả từ Unity đã đi sâu hơn vào từng giai đoạn để làm thành 1 tựa game hoàn chỉnh. Theo đó, anh đưa ra các đặc điểm công việc, những tố chất cần thiết để có thể đảm nhận các vai trò xuyên suốt dự án. Ngoài ra, anh còn chia sẻ các hình thức khai thác lợi nhuận với cả 2 nhóm đối tượng là game maker và game player. Với anh, thị trường game nói chung hay tại Việt Nam nói riêng thì việc triển khai các loại hình game trên các thiết bị di động đang là chìa khoá chính. Bởi lẽ, game di động là nền tảng tiếp cận rộng rãi nhất, chi phí thiết kế và xây dựng game tối ưu hơn đối với các studio hoặc các nhóm nhỏ.

Đại diện VNT trình bày chi tiết quy trình xây dựng một tựa game hoàn chỉnh

Một chủ đề rất nóng bỏng trong thời gian gần đây không thể không kể đến các loại hình trải nghiệm mới như: Thực tế ảo (VR – Virtual Reality), thực tế tăng cường (AR – Augmented reality) hay thực tế hỗn hợp (MR – Mixed Reality). Phần trình bày của công ty giải pháp công nghệ thực tế ảo OneTech Asia – anh Nguyễn Bảo Khánh đã giới thiệu đến các thính giả những hướng tiếp cận mới mẻ về khả năng vận dụng những công nghệ thực tế ảo, không chỉ dừng lại ở game, mà còn mang đến các giải pháp hữu ích trong đời sống và xã hội.

Đại diện công ty Onetech Asia trình bày về các ứng dụng AR/VR/MR cho các dự án phục vụ nhu cầu doanh nghiệp

Sự quan tâm theo dõi đến từ các đơn vị đội ngũ giảng viên, sinh viên, và doanh nghiệp

Cuối buổi talkshow, ban tổ chức đã tạo điều kiện để lắng nghe nhiều hơn từ phía các bạn sinh viên qua phần hỏi đáp với các speaker.

Sinh viên tham gia đặt câu hỏi cho các diễn giả

Kết thúc buổi talkshow, theo một khảo sát nội bộ của SGU, các bạn đã có những cái nhìn mới về ngành công nghiệp game. Đối với những bạn vẫn còn đang phân vân thì đây như một cơ hội, một cánh cửa lớn để các bạn có thể vững tin lựa chọn định hướng cho riêng mình, góp phần xây dựng nền game Việt vươn tầm thế giới.

Nguồn: Mạnh Toàn – VNTCorp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.