Trường đại học bắt tay doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo CNTT

Posted on

Nhiều trường đại học triển khai hợp tác với nhiều đối tác trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, nhằm giải “cơn khát” nhân lực.

Theo báo cáo của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật: CNTT, điện tử – viễn thông, an toàn thông tin. Hàng năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành này vào khoảng hơn 50.000. Nếu tính cả đào tạo nghề ở bậc cao đẳng, trung cấp, con số này vào khoảng hơn 62.000.

Trong cơ cấu nguồn nhân lực, tỷ lệ nhân lực kỹ thuật/tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam đạt hơn 1%. Đây là tỷ lệ tương đối thấp so với một số quốc gia như Hoa Kỳ, Hàn Quốc hay Ấn Độ.

Theo tính toán, để nâng tỷ lệ lên tối thiểu 2%, Việt Nam cần đào tạo được tối thiểu 70.000 sinh viên đại học chuyên ngành kỹ thuật mỗi năm, tăng khoảng 40% so với hiện nay. Không chỉ là vấn đề số lượng, chất lượng nhân lực cũng là thách thức lớn. Các công nghệ số đang có tốc độ phát triển nhanh, trong khi đó, chương trình đào tạo đang chưa theo kịp.

Để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực, nhiều quốc gia (Hàn Quốc, Ấn Độ) đã xác định phát triển đại học số là giải pháp quan trọng, đột phá để phát triển, bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nhân lực số nói riêng.

Đại học số được hiểu là chuyển đổi số giáo dục đại học, đưa toàn bộ hoạt động của trường đại học, của giảng viên, sinh viên lên môi trường số. Vì chuyển đổi hoàn toàn lên môi trường số, mô hình hoạt động của một trường đại học số trở nên linh hoạt và vượt qua nhiều giới hạn vật lý mà một ngôi trường truyền thống gặp phải, dẫn tới dịch vụ giáo dục được tiếp cận dễ dàng hơn, đào tạo được nhiều hơn, chi phí thấp hơn, với chất lượng tối thiểu tương đương.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, mục tiêu đào tạo trong tổng số các trường đại học, quy mô đào tạo hiện nay đã là 219.984 sinh viên thuộc khối ngành CNTT, ATTT mạng. Do đó, mục tiêu 2% nhân lực số là khả thi và cao hơn nữa, vấn đề đặt ra là chỉ mở rộng về chất lượng. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho biết Đề án thí điểm 5 đại học số đã xây dựng và sẽ sớm cùng Bộ TT&TT trình Thủ tướng phê duyệt.

Một trong những cách giải cơn khát nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đào tạo CNTT, nhiều trường đại học đã chọn phương án hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ. 

Trường Đại học Sài Gòn đã hợp tác với Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ VNT để đào tạo nguồn nhân lực CNTT.

Mới đây, trường Đại học Sài Gòn đã hợp tác với Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ VNT để đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Trong năm học 2022, trường Đại học Sài Gòn có 4.465 chỉ tiêu tuyển sinh, riêng khoa Công nghệ thông tin chiếm tới 850 sinhviên, nâng tổng số sinh viên khoa lên đến khoảng 3000.

Trường Đại học Sài Gòn đã tìm hiểu, liên kết với các đơn vị có tiếng trong ngành để tạo cơ hội cho sinh viên được trau dồi, trải nghiệm và cập nhật những kiến thức công nghệ mới. Đại diện nhà trường chia sẻ: “Việc đưa thí điểm Unity (phần mềm có khả năng làm game) vào giảng dạy không chỉ giúp sinh viên được tiếp cận với những công nghệ mới nhất, bắt kịp xu hướng mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh khi ra trường. Đặc biệt, nhu cầu về Unity hiện nay tại các doanh nghiệp là vô cùng lớn. Với giáo trình đào tạo bài bản, sinh viên sẽ đáp ứng tốt hơn và sát hơn với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.”

Đại diện VNT bày tỏ: “Bên cạnh việc trau dồi kiến thức cơ bản, sinh viên cũng cần tiếp cận những kiến thức, công nghệ, xu thế mới nhất để tự tin vững bước, tham gia vào thị trường lao động. Vì vậy, với lần hợp tác này, VNT hy vọng sẽ đồng hành với trường Đại học Sài Gòn để giúp các bạn trẻ có thêm trải nghiệm, được áp dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình học. Từ đó, các bạn sẽ hiểu rõ hơn về ngành, thuận lợi trong quá trình tìm việc làm và có cơ hội thăng tiến nhanh hơn khi ra trường.”

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, nhu cầu nhân lực ngành CNTT vẫn đang tiếp tục tăng. Có thể nói, đây là lĩnh vực ít chịu tác động của dịch Covid. Dù dịch căng thẳng, song các dự án phần mềm, dịch vụ CNTT vẫn hoạt động bình thường. Các doanh nghiệp vẫn “sống khoẻ” và có nhu cầu tuyển dụng nhiều vị trí như lập trình viên, kỹ sư phần mềm, kiểm thử phần mềm. Nhiều doanh nghiệp có tuyển dụng lớn tới hàng trăm vị trí. Ngoài ra, thời điểm hiện tại, 3D/AR/VR và AI đang là các chuyên ngành hot được nhiều bạn trẻ quan tâm lựa chọn. Vì vậy, nhờ vào việc hợp tác, ký kết với các công ty lớn, sinh viên sẽ được đào tạo bài bản và thực tiễn ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường, từ đó gia tăng lợi thế cạnh tranh với các sinh viên khác trong ngành.

Ngoài, trường đại học Sài Gòn, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Việt Nam (PTIT), đại học FPT cũng đang hợp tác với nhiều đối tác trong và ngoài nước như VNPT Technology, CMC, Đại học Jacobs… để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT.

Nguồn: Nguyễn Thái vietnamnet.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.